Nguồn gốc Hội_quán_Lệ_Châu

Vào những năm cuối thế kỷ 19, tại Chợ Lớn và các vùng lân cận, nghề kim hoàn đã rất phát đạt. Để ghi nhớ ơn tổ và thầy, một số chủ lò kim hoàn, gồm các ông Nguyễn Tường Long, Võ Văn Tường, Huỳnh Văn Tiên, Trần Văn Lập, Cao Đình Huế, Thái Hồng Hưng… đã đứng ra vận động, quyên góp từ các lò kim hoàn, các thợ bạc ở khắp nơi và mua được một khu đất rộng ở đường Thủy Binh (Rue des Marins, nay là đường Trần Hưng Đạo) gần nhà thờ Cha Tam[1]. Và nhà thờ tổ được khởi công vào năm 1892 đến năm 1896 thì hoàn thành. Tính đến nay, ngôi thờ này đã trải qua bốn lần sửa sang, đó là vào các năm 1920, 1934, 1946, 1968. Lần sau cùng, nhà thờ được trung tu lớn: cất lại Nghĩa từ, sửa chữa lại chánh điện do chiến tranh gây hư hại...

Đây là một trong những ngôi nhà được xây dựng sớm nhất tại Sài Gòn. Trong sách Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển viết:

"Đường Nguyễn Trãi đi một đoạn khỏi đường Tổng Đốc Phương gặp chùa Lệ Châu. Đây là "chùa tổ" thờ tổ sư của nhóm thợ và chủ lò kim hoàn. Sau những người Hoa kiều đồng nghề cũng nhập với đồng nghiệp Việt Nam nên mỗi năm cúng tổ long trọng và oai nghi lắm"...[2]